7 điều đáng lưu ý khi đi du lịch tới Ấn Độ
1. Xin visa trực tuyến hoặc tại sứ quán
Công dân Việt Nam nằm trong danh sách các nước được Chính phủ Ấn Độ cho phép xin visa (du lịch) trực tuyến trước khi nhập cảnh. Visa này được nhập cảnh vào một số cảng hàng không nhất định như: Delhi, Mumbai, Kolkata… chỉ giới hạn cửa khẩu nhập cảnh, không giới hạn cửa khẩu xuất cảnh. Chi phí xin visa trực tuyến vào khoảng hơn một triệu đồng.
Sau khoảng 24-48h hoặc có thể lâu hơn tùy vào lý lịch cá nhân, email thông báo đơn xin visa được chấp thuận sẽ gửi vào hòm thư điện tử đã đăng ký trước đó. Một visa du lịch trực tuyến (ETA) hợp lệ cần có ảnh chân dung, thông tin cá nhân, dải mã vạch và dòng chữ “GRANTED” (viết hoa, in đậm), chỉ trạng thái chấp nhận nhập cảnh. In ETA ra giấy A4 để sử dụng làm thủ tục bay tại Việt Nam hoặc quốc gia quá cảnh, nhập cảnh tại sân bay Ấn Độ. Một số khách sạn có thể yêu cầu bạn trưng giấy ETA này nên tốt nhất giữ lại suốt hành trình.
Ngoài ra, du khách Việt có thể xin visa trực tiếp tại Đại sứ quán Ấn Độ ở Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Ấn Độ ở TP HCM. Giấy tờ chuẩn bị cũng tương tự visa trực tuyến. Visa trực tiếp sẽ được dán vào hộ chiếu. Thời gian khoảng 2-3 ngày.
Theo đại diện Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM, công dân nước ngoài chỉ được phép xin một trong hai loại visa trực tuyến hoặc trực tiếp. Bạn cần bình tĩnh chờ hết thời gian cấp visa tối đa. Phần lớn trường hợp lần đầu xin visa vào Ấn Độ đều thành công.
2. Cập nhật tin tức trước và trong chuyến đi
Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, chiếm gần trọn tiểu lục địa Nam Á. Nước này gồm nhiều địa hình từ núi cao, đồng bằng, đến sát biển. Chính vì vậy, Ấn Độ có nhiều kiểu thời tiết, thậm chí có lúc cực đoan, đi kèm là các dịch bệnh.
Người dân lên xe buýt ở trạm ga tàu Delhi Junction (Old Delhi) vào cuối ngày.
Để đảm bảo an toàn cho chuyến du lịch Ấn Độ, du khách Việt Nam cần liên tục cập nhật tin tức từ các đầu báo tiếng Việt uy tín, hoặc nếu có khả năng đọc hiểu tiếng Anh thì nên đọc thêm các báo tiếng Anh của Ấn Độ như Times of India.
Ngoài ra, bạn có thể theo dõi tài khoản Twitter của Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Ấn Độ (@ndmaindia). Tài khoản thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai, thời tiết tại nhiều vùng của quốc gia Nam Á này. Cơ quan này cũng đưa ra lời khuyên ứng phó thích hợp nếu thời tiết có chuyển biến bất lợi.
3. Sân bay im lặng
Sân bay quốc tế Indira Gandhi (tên sân bay được đặt theo tên của cố nữ thủ tướng Ấn Độ) ở Vùng thủ đô Delhi thực hành tiêu chuẩn sân bay im lặng. Các loa phát gần như không hiện hữu ở các khu vực ga đến, sảnh chờ, quầy check-in. Do vậy trước khi quyết định ngả lưng chờ đến giờ quầy check in làm việc, khách du lịch tự túc nên hẹn báo thức để tránh lỡ chuyến.
Sân bay và các dịch vụ vận tải công cộng khác tại Ấn Độ đều tôn trọng giới tính hành khách. Chính vì vậy, ở cổng an ninh kiểm tra thân thể được chia thành hai hàng dành cho nam và nữ. Tuy nhiên, máy scan hành lý chỉ có một hàng nên khu vực này rất dễ bị tắc.
Đây là sân bay hiếm hoi sử dụng hai đội ngũ nhân sự khác nhau trong một quầy check in: nhân viên xuất thẻ lên tàu và nhân viên sắp hành lý lên băng chuyền. Trong khi đa số sân bay trên thế giới thường là một nhân viên làm cả hai việc. Hai đội ngũ này mặc đồng phục khác nhau, rất dễ phân biệt.
4. Nhất định phải mặc cả
Ở mọi nơi, trong mọi trường hợp và với tất cả hàng quán, dịch vụ, bạn cần ghi nhớ “thần chú” mặc cả sẽ không bao giờ thừa. Người làm dịch vụ tại Ấn Độ thường nói thách rất cao so mức giá có thể chấp nhận được. Chẳng hạn, khi đi từ sân bay quốc tế Indira Gandhi đến nhà ga Hazrat Nizamuddin (cách nhau khoảng 20 km), tài xế taxi có thể hét giá đến 800 rupee (gần 270.000 đồng). Nếu đến quầy taxi trả trước (prepaid taxi), mức giá hạ xuống gần một nửa.
Khi mặc cả, bạn giảm xuống một nửa là ổn. Người làm dịch vụ thường ra các mức giá cách nhau rất nhỏ để đánh vào tâm lý dễ bỏ qua của du khách. Chính vậy, khi quyết định mặc cả, bạn phải kiên trì đến cùng.
Chiêu trò tách giá của người làm dịch vụ cũng dễ làm du khách đến du lịch Ấn Độ mắc bẫy trong lần đầu đến đây. Người chèo thuyền trên sông Hằng ban đầu chấp nhận mức giá thỏa thuận, nhưng khi chèo được nửa hành trình thì có thể tỏ thái độ đòi hỏi và yêu cầu chi thêm.
Điều này lại ít xảy ra ở các quầy tạp hóa nhỏ lẻ bởi chính phủ Ấn Độ bắt buộc nhà sản xuất in giá bán lẻ lên bao bì của tất cả sản phẩm bán ra. Vì vậy, giá một chai nước lọc ở sân ga cũng bằng với chai nước cùng hiệu được bán ở India Gate.
5. Đề phòng mắc bẫy
Bỗng dưng có một người lạ quá tốt với bạn, dẫn bạn đi khắp nơi tham quan mà không có yêu sách gì. Cẩn thận, có thể bạn đã bị lừa.
Những người này là những tay “dẫn khách” chuyên nghiệp nhưng không phải là hướng dẫn viên. Họ nằm lòng hệ thống tác nghiệp tại địa phương. Bạn sẽ đi theo lịch trình của họ như bị thôi miên. Dẫn đến các địa điểm du lịch nổi tiếng, giới thiệu tới các “nhân vật đáng tin” để nói chuyện.
Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra những “nhân vật đáng tin” này sẽ bắt đầu vòi tiền bằng nhiều lý do như quyên góp, ủng hộ hay trả một loại phí dịch vụ gì đó. Họ có thể yêu cầu bạn sẽ phải mua một món hàng gì đó do họ kinh doanh. Các mánh lới được sử dụng rất nhuần nhuyễn.
Tương tự, một tài xế taxi cũng sẽ liên tục đưa ra các gợi ý điểm tuyến du lịch để du khách đi theo. Đó có thể là một nhà hàng, một cửa hàng bán quần áo truyền thống. Họ sẽ nói dối rằng: “Tôi cần mua đồ cho con gái. Bạn có thể đi cùng tôi tham quan”. Nhưng khi đến nơi, các nhân viên chỉ mời chào bạn mà đáng ra phải mời tài xế kia.
6. Món ăn
Nhìn chung các món ăn Ấn Độ khác nhiều so với ẩm thực Việt Nam, khá mặn và nhiều dầu mỡ. Món ăn gần như được chia thành hai loại rõ rệt là veg (rau) và non-veg (không rau). Các món veg thì tương tự món chay ở Việt Nam, còn non-veg thì thường chỉ là tinh bột và thịt. Vì vậy, nếu có kế hoạch du lịch Ấn Độ khoảng một tuần thì cần thay đổi các món ăn trong ngày để tránh gặp vấn đề về tiêu hóa.
Nhiều người hay bảo đồ ăn Ấn Độ dễ gây ra tiêu chảy. Điều này vừa đúng, vừa sai. Nó thường chỉ xảy ra khi bạn thưởng thức ở một hàng quán quá bẩn. Nếu lựa chọn những quán ăn, món ăn phù hợp, bạn sẽ không gặp rắc rối gì.
Một phần nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy có thể là thức ăn Ấn Độ dùng rất nhiều dầu mỡ, khiến hệ tiêu hoá không thích ứng kịp. Bạn có thể gạn bớt dầu trong món cà ri, chỉ ăn gà cũng là cách hay.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, du khách nên yêu cầu chủ quán giảm bớt muối cũng như gia vị cay. Theo thói quen, họ sẽ có rất nhiều muối và các gia vị cay nồng.
7. Người dân
Người dân Ấn Độ đa số thân thiện và đoàn kết. Những người lạ có thể nói chuyện với nhau rôm rả dù mới lần đầu gặp trên tàu. Họ cười nói như thể họ là một gia đình.
Không những thế, họ còn rất sẵn lòng bảo vệ đồng bào trước người ngoại quốc. Một tài xế tuk-tuk đòi tăng tiền nhưng khách không chịu thì nhiều người xung quanh sẵn sàng chạy lại tương hỗ, bảo vệ tài xế ấy. Lúc này, du khách cần bình tĩnh để giải quyết tình huống. Tốt nhất khi thấy người lạ bước lại, bạn nên ra dấu để họ hiểu mà không can thiệp.
Post a Comment